Bình bát là gì? Tại sao bình bát Sa môn lại là bát phước vô lượng của chúng sinh?

Y bát là biểu trưng cho sự giải thoát của ba đời chư Phật, là ruộng phước  màu mỡ cho những người gieo trồng. Những người xuất gia tu hành phạm hạnh, chân chính thực hành giới pháp của Đức Phật, khoác lên mình chiếc huỳnh y giải thoát, ôm bình bát đi khất thực làm lợi ích cho muôn loài chúng sinh.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa cao quý về y bát của những bậc Sa môn. Trong bài viết “Bình bát sa môn – bát phước vô lượng của chúng sinh”, Ban Quản trị xin kính mời quý Phật tử cùng tìm hiểu về bình bát của chư Tăng qua lời giảng trên Thầy Thích Trúc Thái Minh.

Bình bát là gì?

Thời Đức Phật còn tại thế, chư Tăng ôm bình bát đi khất thực. Theo tiếng Phạn, bình bát là Bát-đa-la hay còn gọi là ứng lượng khí.

Giải thích về bình bát, Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Người xuất gia lấy bình bát để đựng thức ăn, trong nhà Phật gọi là ứng lượng khí. Bình bát có nhiều kích thước to, nhỏ khác nhau. Lại có bình bát làm bằng đất, bằng gốm, đồng, sắt, kẽm, vàng hay bằng ngọc,… Tùy người ăn khỏe thì lấy bình bát to, người ăn yếu thì lấy bình bát nhỏ. Đức Phật chế ra tùy theo sức ăn của mình mà thọ nhận bình bát cho phù hợp. Đó gọi là ứng lượng khí, tức là vật dụng tương ứng mình”.

Bình bát được gọi là vật ứng lượng khí, được chư Tăng dùng để đựng thức ăn

Bình bát được gọi là vật ứng lượng khí, được chư Tăng dùng để đựng thức ăn

Trong Tỳ kheo giới bổn, phần Thiên Xả đọa, giới thứ 22, Đức Phật cũng dạy: Nếu Tỳ-kheo mất bình bát (trừ gặp các nạn) thì phải ra chúng sám hối, phải thọ lại bát bị vá bảy miếng.

Nguồn gốc của bình bát Sa môn

Trong bài giảng “Niệm ân đức Tăng”, Thầy Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: Sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo, có hai thương gia tên là Trapusa và Bahalika được hai vị chư Thiên là mẹ trong tiền kiếp của họ mách rằng: Ở chỗ cây bồ đề có vị Phật xuất hiện. Các ông hãy đến đấy mà cúng dường Ngài để mà được phước báu.

Vậy là, hai thương gia cùng nhau sắm sửa vật thực, mang đến Bồ đề Đạo tràng dâng cúng dường lên Đức Phật Bổn Sư. Đức Phật thọ nhận sự cúng dường của hai thương gia này. Lúc ấy, Đức Phật chưa có bình bát và ngay lập tức có bốn vị thiên vương hiện xuống, mỗi vị cúng dường cho Đức Phật một chiếc bình bát bằng ngọc rất quý của cõi trời. Đức Phật dùng thần lực hợp bốn bình bát thành một chiếc bình bát để nhận vật thực cúng dường của hai người thương gia. Bình bát này về sau trở thành vật tùy thân của Đức Phật trong suốt 49 năm du hóa của Ngài.

Hai thương gia được chư Thiên mách bảo, sắm sửa vật thực cúng dường lên Đức Phật Thích Ca (hình minh họa)

Hai thương gia được chư Thiên mách bảo, sắm sửa vật thực cúng dường lên Đức Phật Thích Ca (hình minh họa)

Tại sao nói bình bát Sa môn là bát phước vô lượng của chúng sinh?

1. Bình bát nuôi mạng sống chư Tăng

Chỉ ăn bằng bình bát” là pháp thứ 6 trong 13 pháp hạnh đầu đà mà Phật dạy chúng Tỳ-kheo. Thời Phật còn tại thế, Ngài cùng các đệ tử sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác. Vật sở hữu của quý Ngài không có gì ngoài ba tấm y và một bình bát. Bình bát là vật dụng để chứa đựng thực phẩm vừa đủ sức ăn của một vị xuất gia và chư Tăng đi xin ăn bằng bình bát cũng chỉ lấy đủ với sức của mình mà không lấy tích chứa thêm. Vậy nên, bình bát có ý nghĩa tượng trưng cho mạng sống của chư Tăng.

Như Thầy Thích Trúc Thái Minh giảng giải: “Có thực mới nuôi được mạng, có mạng thì mới tu được. Cho nên, bình bát gọi là vật ứng lượng khí để các Thầy xin ăn, có ăn thì mới có mạng sống. Chư Tăng mà không có bình bát là chết đói, cho nên, bình bát thì tượng trưng cho mạng sống của chư Tăng”.

Thực hành lời chư Phật dạy, chư Tăng Ni chùa Ba Vàng thực hành hạnh khất thực không chỉ để nuôi sống thân mạng để có sức khỏe tu tập, tiến tu đạo nghiệp, hoằng dương Phật Pháp mà còn với mong nguyện cao thượng là gieo duyên, giúp cho nhân dân, Phật tử có cơ hội được bố thí, cúng dường, gieo trồng những hạt giống thiện lành, đáng quý vào ngôi Tăng bảo cao quý.

2. Bình bát của bậc Sa môn phạm hạnh mang lại phước báu vô lượng cho chúng sinh

Đối với pháp đầu đà “Ăn bằng bình bát” cao quý là thế, tuy nhiên không phải hạng người nào ăn bằng bình bát cũng được Đức Phật tán thán và xứng đáng được người đời cung kính, đảnh lễ, cúng dường.

Trong kinh Tăng Chi Bộ II, chương Năm, phẩm Rừng, phần Ăn Từ Bình Bát, Đức Phật có dạy 5 hạng ăn bằng bình bát:

 “Hạng đần độn ngu si ăn từ bình bát;

 Hạng ác dục ác tánh ăn từ bình bát;

 Hạng kiêu mạn loạn tâm ăn từ bình bát;

 Hạng ăn từ bình bát vì được nghe Thế Tôn và các đệ tử Phật tán thán;

 Hạng vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này, ăn từ bình bát.

Trong năm hạng người ăn từ bình bát, này các Tỳ-kheo, hạng ăn từ bình bát vì ít dục, vì biết đủ, vì đoạn giảm, vì viễn ly, vì cầu thiện hành này là đệ nhất, là tối thắng, là thượng thủ”.

Câu chuyện cúng dường vào bình bát Sa môn được phước báu sinh lên cõi trời

Là một trong 10 đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và nổi tiếng với lối tu khổ hạnh bậc nhất, Tôn giả Đại Ca Diếp thường hành hạnh từ bi, đem phước báu đến cho chúng sinh bằng việc ôm bát khất thực, xin ăn những người nghèo khổ. Ngài khất thực như vậy để họ được tăng trưởng tâm bố thí, gieo trồng phước báu vào ruộng phước thế gian để nhờ đó mà họ bớt khổ và hết khổ.

Trong một lần khất thực, hóa độ chúng sinh, Tôn giả Ca Diếp thấy một bà lão đơn côi, quá nghèo khổ tá túc tại cái hang phân dơ bẩn bên cạnh đống rác, trong một ngõ hẻm. Thân thể bà gầy gò ốm đau tật bệnh, cuộc sống của bà lẻ loi bấp bênh, bữa đói bữa no, suốt ngày ở trong hang dơ bẩn, che đậy thân thể bằng mảnh cót tre nhỏ. Nhờ nhập định Ngài biết người này kiếp trước không tạo phước lành nên kiếp này phải chịu nghèo khổ. Nếu Ngài không độ thì bà lão sẽ mãi mãi mất phước.

Lúc này, bà lão đang đói cồn cào thì có một người đầy tớ của trưởng giả mang nước cơm đi đổ, bốc mùi hôi khó chịu. Dù vậy, bà lân la đến xin phần cơm thừa đó. Khi ấy, Ngài Ca Diếp liền đến chỗ bà khất thực, xin ăn, khuyến hóa bà “bán cái nghèo” cho mình để tạo nhiều phước báu. Do dự hồi lâu, bà quyết định lấy phần nước cơm thành tâm dâng cúng vào bình bát của Ngài.

Sau khi thọ nhận, Ngài Ca Diếp chú nguyện cho bà lão được phước báo và an lành. Để bà lão không khởi lòng nghi ngờ và đầy đủ sự bình an, Ngài đã uống hết bát nước cơm và thị hiện thần thông ngay trước mặt bà lão. Trước việc làm cao quý của Ngài, bà lão vui mừng khôn xiết. Cũng nhờ duyên lành này, sau khi mạng chung, thần thức của bà lão được tái sinh lên cõi Trời, sống trong cảnh giới an vui, hạnh phúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *